Phần lớn mọi người cho rằng không. Trong mối quan hệ này, lòng khát khao "chuyện ấy" thường không ngừng tăng lên theo thời gian. Họ thậm chí còn ghen vì người bạn khác giới kia. Còn các chuyên gia, họ nói gì về đề tài này?
"Đó là quan niệm của thời xưa, khi phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà trong khi đàn ông đi làm. Cách duy nhất để bầu bạn với nhau, đó là chuyện ấy" - Linda Sapadian, tiến sĩ tâm lý học, giải thích. "Hơn nữa, trong một thời gian dài, chuyện gối chăn được coi là nguyên mẫu của mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, với mục đích duy trì nòi giống. Truyền thông đại chúng cũng góp một phần lỗi trong quan niệm này. Trên màn ảnh, hay gặp nhất vẫn là cảnh những người bạn khác giới yêu nhau như thế nào", giáo sư Michael Monsour thuộc Đại học Tổng hợp Colorado (Mỹ) bổ sung.
Năm 1989, Don O'Mera, giáo sư xã hội học ở Cincinati, trong tạp chí Sex roles, đã đưa ra những thách thức của tình bạn khác giới.
- Thách thức thứ nhất là định nghĩa các mối quan hệ: tình bạn hay tình yêu. Việc phân biệt những cảm xúc của tình bạn và tình yêu là rất khó khăn. "Con người thường không biết những cảm xúc đối với người khác giới phải như thế nào thì được coi là đúng mực. Bạn biết bạn thích ai và việc kết bạn với người đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Song như vậy chưa đủ để bạn có thể hẹn hò với người đó", O'Mera nhận định.
- Thách thức thứ hai là làm sao để ứng xử thích hợp trước sự hấp dẫn của một người bạn khác giới. Sapadian đã hỏi trên 150 người Mỹ, rằng họ không thích điều gì nhất trong tình bạn với người khác giới. Phần lớn chị em ngại nhất cái yêu cầu "khó nói" của ông bạn. Còn cánh đàn ông thì cho rằng sự hấp dẫn tình dục là nguyên nhân chính để kết bạn và họ luôn mong muốn đi xa hơn nữa. Đã có tới 62% số người được hỏi trả lời rằng trong tình bạn khác giới của họ đã từng xảy ra "chuyện ấy".
- Thách thức thứ 3 là vấn đề xác định sự bình đẳng giữa hai người. Một tình bạn đích thực có thể tồn tại giữa hai người bình đẳng với nhau. Theo D. O'Mera, trong nền văn hoá của chúng ta, sự áp đảo của đàn ông là gánh nặng không chỉ đối với đàn ông mà cả phụ nữ. Thậm chí phụ nữ còn tự nguyện chấp nhận vai trò phụ của mình trong mối quan hệ với đàn ông. Những ai có bạn thân khác giới cần phải đánh tan mối hoài nghi: "các bạn có thực sự chỉ là bạn bè thôi không?". Những người đã có gia đình ngày càng khó kết bạn với người khác giới hơn. "Thậm chí cả những cặp vợ chồng hoàn toàn tin vào tình yêu của nhau, vẫn lo sợ khi vợ/chồng mình kết bạn với một người khác giới", Monsour nhận định.
- Thách thức thứ tư là địa điểm làm quen. Chị em và anh em luôn có ít cơ hội để giao tiếp với nhau. Khi còn đi học, con gái và con trai chơi theo những nhóm riêng rẽ. Khi đã trưởng thành, họ thường coi nhau như đối tượng để tìm hiểu, hẹn hò chứ không phải là những người bạn thuần khiết nữa. Hiện tượng "phân ly giới tính" tự phát này vẫn còn tiếp tục trong cuộc sống sau này của người lớn. Tại các cuộc hội họp, gặp gỡ, đàn ông và phụ nữ vẫn cứ tách ra thành những nhóm khác nhau.
835 trong số 1.450 người Mỹ tin rằng phụ nữ và đàn ông khó có thể là những người bạn thuần khiết của nhau. Đồng thời già nửa (62%) thú nhận rằng tình bạn của họ đã chuyển qua "chuyện ấy". Hầu như tất cả (94%) cho rằng việc những người ban đầu chỉ là bạn bè, sau đó yêu nhau là hoàn toàn có thể. Theo các nhà nghiên cứu, phái mạnh hay lẫn lộn giữa tình bạn và tình yêu (64%) hơn là phái yếu (25%).
Song cần phải vượt qua những thách thức đó. Theo nghiên cứu của Sapadian thì đàn ông đánh giá cao hơn chất lượng tình bạn của họ với bạn gái. Họ đặc biệt đánh giá cao khả năng được trò chuyện và chia sẻ với bạn gái những cảm xúc, là những điều rất khó nói với bạn trai. Còn phụ nữ lại coi trọng tình bạn cùng phái hơn. "Phụ nữ thích tâm sự với phụ nữ và đàn ông cũng thích tâm sự với phụ nữ", Blieszner nói. Tuy nhiên, trong tình bạn khác giới phụ nữ cũng có nhiều cái lợi. "Tình bạn với đàn ông nhẹ nhàng hơn, vui hơn", Sapadian nhận định. Trong nghiên cứu của Sapadian, một số chị em khẳng định rằng họ rất thích được đàn ông che chở và thích sự biểu lộ tình cảm ấm áp từ cánh mày râu. Với họ, những người bạn trai giống như những ông anh trong nhà. Phụ nữ thích nhất là họ có thể nhìn xuyên thấu được tư duy của phái mạnh.
Phần lớn tình bạn nam nữ có xu thế biểu lộ tính sôi nổi như ở trong tình bạn giữa những người bạn gái, hơn là chỉ thể hiện những mối giao tiếp hướng tới những hoạt động chung trong quan hệ giữa những người đàn ông, Kathy Werking, giáo sư Đại học Tổng hợp Eastern Kentucky nhận định. Theo Werking, những người bạn khác giới thường dành nhiều thời gian cho các cuộc chuyện trò, sau đó mới đến một số các hoạt động khác như cùng đi ăn hay đi chơi đâu đó.
Trong những mối quan hệ bạn bè nam nữ như vậy, "chuyện ấy" không xảy ra nhiều như người ta vẫn tưởng. Thậm chí cả những người bạn khác giới cực kỳ hấp dẫn đối với nhau vẫn có thể ý thức được rằng một số điều mà họ bỏ qua trong quan hệ bạn bè cũng sẽ không lôi kéo họ vào "chuyện ấy". Nếu hai người khác giới đã chơi với nhau nhiều năm như những người bạn đích thực, thì sau đó rất khó bước qua ranh giới cuối cùng giữa đàn ông và đàn bà. Những nghiên cứu của W. Affi cho thấy trong số 300 sinh viên tham gia thí nghiệm, có 67% xác nhận từng "xé rào" với người bạn thân khác giới của mình. Số còn lại khẳng định tình bạn khác giới của họ luôn trong sáng. Có thể những người này đã biết đặt tình bạn lên trên tình dục?