(ANTĐ) - Không có tên chương trình, cũng không được xếp theo một chủ đề cụ thể nào, song đêm nhạc giới thiệu gần 20 sáng tác âm nhạc mới được phổ thơ tối 20-1 tại rạp Chuông Vàng, Hà Nội đã mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc ngẫu hứng đậm chất thơ, chất nhạc…
Bài hát “Nỗi đau còn đọng lại” - một trong những sáng tác
của tác giả Mộng Tuân đã gây xúc động trong lòng người
nghe nhạc
Sở dĩ nói ngẫu hứng bởi trong số gần 20 ca khúc được giới thiệu trong đêm nhạc vừa rồi, phần lớn đều là tác phẩm được “so duyên” sau cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người làm thơ và người viết nhạc. Sự đồng điệu đã kéo tâm hồn nghệ sỹ của họ lại gần nhau và làm nên những sáng tác âm nhạc có sức làm lay động lòng người. Nhạc sỹ Nguyễn Đăng Tài dù được biết đến nhiều hơn ở mảng ca khúc về Hà Nội như: Xa xưa, Nhớ chiều mưa Tây Hồ… và cũng ít khi phóng nhạc viết về một địa danh nào khác song khi bắt gặp tứ thơ nói về truyền thuyết tình yêu ở trên hồ Núi Cốc của nhà thơ Nguyễn Hữu Thanh đã ngay tức thì chuyển thể thành ca khúc “Tình yêu vĩnh hằng”. Bức tranh hồ Núi Cốc qua cung bậc âm thanh khi trong khi đục, khi khoan thai trữ tình lúc rộn rã tươi vui đưa người nghe bước vào không gian huyền thoại của câu chuyện “vì quá yêu chàng trai hóa thành núi, vì quá thương người yêu cô gái hóa thành sông”…
Trong số ấy cũng có không ít sáng tác được thành hình bởi những người chưa từng kinh qua khóa đào tạo nào về nhạc lý cơ bản như ca khúc “Tôi hát” của tác giả Ánh Minh hay như bài hát “Hoa hồng xanh” mà cậu học trò Vương Xuân Nguyên dành tặng trường THPT Cao Bá Quát nơi miền quê Phủ Quốc, xứ Đoài của mình…
Dù là sản phẩm của người viết nhạc chuyên nghiệp hay nghiệp dư, dù là được viết theo thể loại mang âm hưởng dân gian truyền thống hay trữ tình lãng mạn, dù gắn với địa danh vùng đất nào chăng nữa thì cả 20 sáng tác trên đều chứa đựng tình cảm lớn lao hướng về Hà Nội và dành cho Hà Nội.
Như nhạc sỹ Trần Nhơn, mặc dù có tới 3 ca khúc được thể hiện trong chương trình và mỗi ca khúc lại viết về một đề tài khác nhau song ông tâm sự tất cả đều gửi trọn nỗi lòng của một người con nơi mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ở đó bóng dáng của Hà Nội hiện lên ở không gian chợ đêm với dòng người dập dìu lại qua trong tiếng xẩm, tiếng trống, tiếng ca trù réo rắt (Chợ đêm Hà Nội), trong cuộc hành trình vút cao tiếng hát và hào khí cha ông để tìm về cội nguồn nơi đất Tổ đền Hùng (Hành hương về đất Tổ) và trong cả bức thông điệp nhắc khéo mỗi người giữ gìn môi trường thiên nhiên và xã hội trong dòng chảy ào ạt của nhịp sống hiện đại (Chào Xuân mới)…
Đó còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn mà người nhạc sỹ Hà Nội - Lê Đăng Khoa gửi gắm trong sáng tác “Lên Cao Bằng càng thêm nhớ Bác”, là chất thơ đã giúp nhạc sỹ Hoàng Hải viết nên ca khúc trữ tình lãng mạn “Hồn quê”…
Không chỉ có ý thơ hay, lời ca đẹp, nhiều ca khúc trong đêm diễn đã thực sự khiến người xem xúc động bởi chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là nỗi lòng đau đáu và đầy trăn trở về những con người sống giữa thời bình mà vẫn đang gánh chịu nỗi đau chiến tranh mà chất độc da cam để lại (Nỗi đau còn đọng lại), là lời biết ơn vô hạn của một người con đã trưởng thành gửi đến người mẹ già đã khuất - người mẹ đã hy sinh đôi bàn chân nứt nẻ để bàn chân con được gót đỏ như son (Bàn chân mẹ).
Lạ thay, cả hai ca khúc trên đều là sáng tác của một người ngoại đạo với cả thơ văn lẫn âm nhạc - bác sỹ Mộng Tuân. Từng là lính quân đoàn 3, một thời chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, sự đồng cảm với nỗi thống khổ của biết bao đồng đội vẫn đang ngày đêm chịu ảnh hưởng từ di chứng chất độc da cam đã chắp bút giúp ông viết nên những vần thơ như “cứa” vào lòng người nghe: “Đồng đội tôi ai còn ai mất, ai mang trong mình chất độc da cam, xin sẻ chia nỗi đau cùng đồng đội, có những đứa con dị tật trên đời”.
Cũng chính tâm hồn nhạy cảm ấy đã giúp vị bác sỹ - thi sĩ sáng tác ra không ít ca khúc xúc động từng được in thành đĩa và giới thiệu trên sóng truyền hình. Vốn sinh ra trên mảnh đất miền Trung nắng gió song quãng thời gian gắn bó với Hà Nội trong suốt hơn 30 năm qua đã hun đúc trong bác sỹ Mộng Tuân niềm ao ước một lúc nào đó có thể viết được một ca khúc dành tặng Hà Nội trong dịp Đại lễ 1.000 năm sắp tới…
Thấp thoáng trong đêm diễn ấy có những người khách nước ngoài, họ đứng lặng lẽ ở khán phòng quay phim, chụp ảnh. Có lẽ họ không hiểu lời ca, nhưng hình như cảm nhận được giai điệu của từng ca khúc và hơn cả, hiểu được ánh mắt hân hoan của những người nghệ sỹ khi thấy “đứa con tinh thần” của mình được “sống” trên sân khấu…
Ngọc Hà ( Báo an ninh Thủ đô )