Đây là bài phát biểu của thầy Quang Anh trong cuộc họp cớ quan ngày 01/08/2009:
Thưa toàn thể các thầy giáo, cô giáo!
Tôi xin phép có một vài ý kiến.
Trước tiên, tôi xin nhắc lại những gì đã diễn ra cách đây hơn 4 tháng trước (ngày 09/3/2009).
Hôm đó, cũng như bao giờ chào cờ đầu tuần khác, sau khi công việc nhà trường đã xong xuôi, tôi xin được góp vui bằng một tiết mục văn nghệ tấu hài. Vì hôm đó là ngày 9/3 đã qua ngày quốc tế phụ nữ một ngày nên tôi gửi lời chúc mừng đến toàn thể các cô giáo, cán bộ công nhân viên nữ nhà trường cùng toàn thể các em nữ sinh. Tôi nói với các em rằng đây chỉ là một đoạn tấu hài vui thầy đã lấy trên mạng, thầy đã chỉnh sửa cho phù hợp, tôi có hỏi các em có thích nghe không?
Học sinh rất hưởng ứng và đề nghị tôi đọc.
Hôm đó tôi với khiếu văn nghệ của mình đã diễn nội dung tấu hài mà tôi chuẩn bị làm cho học sinh và các thầy cô vô cùng thích thú, những tiếng vô tay tán thưởng và những tràng cười cứ rộ lên liên tục bởi những nội dung trong bài tấu hài rất hóm hỉnh và hài hước.
Sau khi diễn tấu xong tôi có nói trên đây chỉ là những nội dung hài hước vui vẻ, thực tế các bà các mẹ những người phụ nữ Việt Nam thật tuyệt vời, và để kết thúc tôi có mượn lời của một nhà thơ để thể hiện sự biết ơn đối với những người mẹ, những người phụ nữ bằng 4 câu thơ:
Hoa không ánh sáng hoa không nở
Dạ vắng yêu thương dạ những sầu
Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sỹ hỏi còn đâu
Cũng bởi các thầy cô và các em rất thích thú về đoạn tấu hài đó nên có nhiều thầy cô chưa được nghe buổi sáng đề nghị tôi sẽ diễn tiếp vào buổi chiều.
Vì yêu văn nghệ, muốn dành cho thầy và trò những phút giây thư giãn, xua đi những căng thẳng trong những giờ học của học sinh nên tôi nhận lời. Và mọi sự cũng diễn ra tuơng tự như buổi sáng hôm đó, các thầy cô và học sinh rất vui và thích thú.
Từ đó cho đến cuối năm học tôi không hề nhận được bất kì thông tin nào bình luận về nội dung trong đoạn tấu hài đó ngoài những nụ cười của các em về những nội dung hài hước, dí dỏm.
Sự việc đó sẽ đi vào quên lãng nếu như không có lá đơn gửi ra Sở Giáo dục và Đào tạo và những bài báo đăng những nội dung sai trái vừa qua.
Tôi đã đọc những bài báo này mà thấy thật buồn. Tôi buồn về mình một phần nhưng khi nghĩ đến nhà trường trong lòng tôi cảm thấy đau sót. Mái trường này vốn đã bình yên 19 năm qua, nơi có những học trò ngoan, nơi có những người thầy luôn tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Qua những nội dung bịa đặt trắng trợn của các bài báo đã gieo vào trong lòng bạn đọc những suy nghĩ rằng đó là một ngôi trường nhí nhố, nơi có những người thầy chẳng ra gì? Phụ huynh sẽ nghĩ gì về những người thầy nơi đây sau khi đọc xong những bài báo vừa qua? Họ có còn dám tin tưởng, hi vọng hay hoang mang, nghi hoặc và lo lắng.
Tôi muốn hỏi cô Dung (là em gái ruột của anh Thành) vì cô là một trong những người trả lời phỏng vấn cho các báo.
Hôm đó (09/3/2009) ai ngồi dự cũng biết nhà trường chỉ sử dụng một tiết học dành cho chào cờ đầu tuần như bao buổi chào cờ khác, sao cô lại nói với báo chí là nhà trường sử dụng hai tiết học đầu để tổ chức buổi chào cờ kết hợp với lễ mít ting chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ ? vì động cơ gì mà cô đã bịa đặt, nói lên điều sai trái đó?
Mọi người ở đây đều biết hôm đó cô đi dạy muộn, khi gần kết thúc giờ chào cờ mới thấy cô đến vậy tại sao cô có thể gặp tôi để đề nghị tôi không đọc cái mà cô gọi là “bài chúc mừng” theo như lời cô trả lời phóng vấn?
Tôi không hề cho cô phần nội dung tôi diễn đoạn tấu hài vậy cô lấy nó ở đâu để cung cấp cho báo chí? Khi tôi đọc những nội dung trích trên báo chí tôi thấy nó hoàn toàn là nội dung bịa đặt không có thực? Vậy cô làm việc này vì mục đích gì?
Có phải vì cô muốn giúp anh trai mình có nhiều cơ hội hơn để thực hiện đựơc mưu đồ chính trị của mình trong giai đoạn nhạy cảm này không? Nếu cô thực sự có tâm với nhà trường, bênh vực quyền lợi cho chị em liệu cô có xử sự như vậy không?
Còn cô Bình (là vợ của anh Thành) cô cùng quê với tôi, những ngày đầu tiên cô đến công tác ở mái trường này, biết tôi cùng quê với cô, cô vui mừng lắm, tôi cũng vậy và luôn coi cô như cô em gái của mình.
Ngày 9/3, ai cũng biết cô không làm giáo viên chủ nhiệm, không có giờ dạy, không hề dự giờ chào cờ nhưng lại trả lời phỏng vấn, tôi xin đựơc trích đọc đoạn phỏng vấn này của cô “Cô Nguyễn Thị Bình giáo viên dạy toán bức xúc. Cầm “ bài văn “ chúc mừng trên tay, đọc nó chúng tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao, với những ngôn từ phản giáo dục, chế giễu, miệt thị phụ nữ như vậy lại đựơc BGH Trường THPT Cao Bá Quát cho đọc trong buổi chào cờ trang nghiêm”
Tôi thật bất ngờ, không hề chứng kiến vậy tại sao cô có thể dám bịa ra những câu nói hùng hồn như vậy? Chẳng nhẽ chỉ vì chồng cô, vì những mục đích cá nhân đen tối của chồng mình mà cô có thể sẵn sàng bất chấp tất cả dựng chuyện, bịa đặt để làm những việc xấu xa thế sao? Cô không nghĩ đến sự báo ứng ư? Cô không nghĩ mọi người sẽ nhìn nhận cô như thế nào ư? Khi cô làm việc đó cô có nghĩ mình đang là một giáo viên không?
Chỉ vì khát khao quyền lực đến mù quáng mà một đoạn tấu hài hóm hỉnh và hài hước đã biến thành một bài diễn văn phản cảm, chỉ trích lên án và xuyên tạc.
Chỉ vì khát khao quyền lực đến mù quáng mà sự nhiệt liệt hưởng ứng, những tiếng vỗ tay hoan hỉ, những tiếng cười ròn tan của cả thầy và trò đã biến thành những tiếng la ó của học sinh, những cái lắc đầu ngao ngán của đội ngũ giáo viên
Chỉ vì khát khao quyền lực đến mù quáng mà niềm tin của phụ huynh và học sinh gửi trọn nơi đây đã biến thành sự hoài nghi, lo lắng.
Cô Dung, Thầy Thành, Cô Bình các thầy cô có biết rằng các thầy cô đã dùng những nhát búa vô cảm phá đi bao truyền thống tốt đẹp của mái trường này không?
Các thầy cô đã làm gì cho mái trường này? Các thầy cô có biết rằng mất lòng tin là mất tất cả không? các thầy cô có thể chịu đựơc trách nhiệm về những tổn thất của mái trường này do những việc mà các thầy cô đã gây ra hay không?
Ai cũng biết, những người làm thầy đã được Bác Hồ tặng cho một câu nói đã trở thành chân lý sáng ngời mà cả xã hội công nhận và trân trọng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong nhưng nghề cao quý”
Cái nghề này thật đặc biệt và khác hẳn với trăm vạn nghề khác, đó là lấy nhân cách để giáo dục nhân cách. Có nghĩa là, muốn làm một người thầy chân chính thì, trước hết, phải là người có nhân cách tốt và dùng nhân cách tốt đẹp của chính mình để cảm hoá người học, giáo dục cho họ biết lẽ sống ở đời, dạy cho họ đạo làm người biết trọng nghĩa khinh tài, biết sống vì người khác, sống có ích cho cộng đồng.
Năm học mới sắp đến liệu thầy Thành, cô Dung, cô Bình có dám can đảm đứng trước lớp để giảng cho các em về đạo đức hay không? Bởi giờ đây, ai cũng đã biết các thầy cô đâu phải là những người có đạo đức hay những người thầy chân chính, bởi những việc các thầy, cô đã làm. Hậu quả của những gì các thầy, cô gây ra đã đánh một “dấu chấm hết” cho sự nghiệp của mình hay không? Phụ huynh nào còn dám tin tưởng giao con em họ cho thầy Thành, cô Dung hay cô Bình dạy dỗ một lần nữa?
Trong những ngày qua tôi thật buồn. Buồn vì có những con người mặc dù là giáo viên nhưng không xứng đáng với vị trí và nhiệm vụ cao cả mà xã hội tôn vinh. Vì mục đích cá nhân đen tối đã làm những việc không thể nào dung thứ, vì lợi ích cá nhân mà trà đạp lên lợi ích của tập thể, bôi nhọ, huỷ hoại thanh danh của đồng nghiệp, của mái trường nơi mình đang công tác, đi ngược lại với lợi ích của tập thể, làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của mái trường này do công sức của bao thế hệ thầy và trò nơi đây đã dày công vun đắp từ khi thành lập trường cho đến hôm nay.
Đến đây tôi nhớ về thầy Nguyễn Văn Thanh (hiện vẫn còn công tác tại trường), thầy Nguyễn Văn Điền là những vị Hiệu trưởng đáng kính của chúng tôi trước kia. Hai thầy cùng với các thầy cô đầu tiên ở trường đã xây dựng những nền tảng tốt đẹp và bền vững ban đầu, góp phần giúp nhà trường phát triển vững mạnh. Các thầy cùng với bao thầy cô khác là những người thầy có tâm với nhà trường. Khi đọc những bài báo vừa qua, liệu các thầy cô có thể chấp nhận đựơc sự thật này không? Tôi biết sau sự vịêc này các thầy cũng như bao thầy cô chân chính khác đau đớn lắm, tôi biết các thầy cô sẽ không thể nào ngủ đựơc khi những “kẻ” gọi là đồng nghiệp của mình đã vì quyền lợi thấp hèn của cá nhân mà trà đạp lên bao giá trị tốt đẹp, những thành quả đã được xây dựng của bao thế hệ thầy trò bỗng dưng sụp đổ.
Ngày này cách đây 15 năm, những người thầy đầu tiên của mái trường này cung kính thắm nén hương trước vong linh Người anh hùng dân tộc, Danh nhân Cao Bá Quát và xin được lấy tên người đặt tên cho ngôi trường này. Các thầy đã thầm hứa với người sẽ nỗ lực xây dựng mái trường này cho xứng tầm với Danh nhân Cao Bá Quát.
Qua tháng năm, trường ngày càng lớn mạnh và khẳng định với bạn bè về tầm vóc của mình, khi được chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của mái trường này Thánh Quát sẽ vui mừng lắm. Nhưng, hôm nay, danh tiếng của người đang bị huỷ hoại; truyền thống đó bỗng dưng sụp đổ bởi một vài kẻ thấp hèn, đê tiện. Hẳn thánh Quát đau đớn lắm!
Những kẻ vì mục đích cá nhân đen tối của mình mà dám làm những việc như thế liệu chúng có phải bị trừng phạt? Tôi tin rằng đầu tiên là toà án lương tâm, sự khinh rẻ, sự xa lánh của bạn bè đồng nghiệp, những ánh mắt vừa chê trách vừa coi thường của học sinh sẽ là hình phạt đau đớn nhất.
Cũng thầy Hiệu trưởng đã nhiều lần nói trước Hội nghị Chi bộ Đảng ngày 25/7/2009: “…sau này, dẫu thế nào đi nữa, đồng chí Thành cũng phải gánh chịu sự xa lánh của anh em. Tôi cho cái đó còn buồn hơn chức Hiệu trưởng”.
Có lẽ nhiều đồng chí đồng tình với tôi rằng, nếu như những “kẻ đó” còn tồn tại trong mái trường này thì uy tín của toàn thể các thầy cô chân chính ngồi đây bị phương hại, bởi ai cũng biết “con sâu làm dầu nồi canh”.
Với tư cách cá nhân, tôi đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường, Chi bộ Đảng nhà trường, Công đoàn nhà trường sẽ điều tra làm rõ những việc làm sai trái trên và có hình thức kỉ luật thích đáng để trả lại sự bình yên cho ngôi trường này, lấy lại uy tín và danh dự cho những cán bộ giáo viên chân chính, lấy lại lòng tin của phụ huynh và học sinh nơi đây, xây dựng lại hình ảnh của mái trường trong lòng bè bạn trên mọi miền đất nước. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chủ quản và cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để làm rõ những hành vi đen tối của một vài cá nhân nêu trên.