Công việc chấm thi tốt nghiệp đã kết thúc. Như mọi năm, môn Văn luôn để lại nhiều “kỷ niệm” đối với giáo viên vì rất nhiều bài viết bộc lộ rõ lỗ hổng lớn về kiến thức và kĩ năng, điển hình là những phân tích “cười ra nước mắt”, “đọc xong muốn… khóc”.
Cô Huỳnh Thị Kim Hoa, giáo viên bộ môn Văn - Trường PTTH Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) chấm bài thi của học sinh Cà Mau cho biết: Nhiều học sinh chỉ nhớ mang máng tác phẩm nên khi làm bài bị “bé cái nhầm”, thậm chí, các em còn vô tư sử dụng ngôn ngữ @ vào bài viết.
Khi học sinh “bịa”
Đề thi năm nay yêu cầu phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, một TS đã hồn nhiên viết: “Trở thành con dâu gạt nợ, Mị bị đánh đập dã man, chịu không nổi Mị về gặp cha, cha Mị thấy Mị liền nói: “Mày khiến tao chết hả? Mày đi về bển ngay!””. Một đọan khác: “Đêm tình mùa xuân, Mị cũng muốn đi chơi, Mị thay áo, chải tóc nhưng A Sử về trói Mị vào cột nhà. A Phủ đi ngang thương quá cởi trói cho Mị. Mị thấy vậy lừa lúc A Sử ra khỏi nhà cởi trói cho A Phủ. Bỗng A Sử về thấy vậy đánh cho Mị một trận rồi lại trói A Phủ lại”. Rốt cuộc không biết ai cởi trói cho ai?!
Thậm chí, có bài thi của TS còn bịa ra chuyện A Phủ đi chăn trâu nhưng lại làm mất…bò và bị Bá Kiến đánh: “A Phủ đi chăn trâu làm mất một con bò. Bá Kiến giận dữ đánh A Phủ. A Phủ cãi lại ông đừng vội đánh tôi. Tôi sẽ đi bắt con hổ cho ông coi”. (Khi A Phủ làm mất một con bò bị Thống lý Pá Tra đánh, A Phủ nói sẽ đi bắt con hổ về còn hơn nhiều lần con bò).
Và đây là đoạn bịa: “Mị và Trọng là người yêu của nhau, thấy người yêu bị hành hạ dã man, Trọng chịu không nổi liền rủ Mị bỏ trốn. Hai người chưa kịp thực hiện ý định thì đã bị nhà Thống lý phát hiện trói cả hai vào cột”. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ không có nhân vật nào tên Trọng. Có lẽ, TS này nhớ đến Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du chăng?.
Đưa ngôn ngữ @ vào bài thi
Những ngôn ngữ vốn chỉ sử dụng để nhắn tin qua điện thoại di động và chat trên mạng internet với bạn bè cũng được các em đưa “nguyên xi” vào bài thi. Chẳng hạn như: pùn lém (buồn lắm), hum ni (hôm nay), thik (thích) iu (yêu)…
Với đề phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một học sinh viết: “Nước sông Hương không xanh màu xanh canh hến”, thay vì “Nước sông Hương sáng xanh, trưa vàng, chiều tím”. Theo cô giáo Cao Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ có lẽ đang làm bài thi mà đói bụng, nhớ món canh hến ở nhà mẹ hay nấu nên “tức cảnh sinh tình”.
Không chỉ vậy, một số học sinh còn trở thành “nhân viên” của Trung tâm xúc tiến du lịch. Khi thì giới thiệu những điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, lúc thì những món ăn đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế nào là bánh bò, bánh nậm… để mời gọi khách du lịch đến với Huế.
P/s: ST!