Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM lại xuất hiện một bài thi lạ. Thay vì làm bài văn, một thí sinh đã viết bức thư cho cha trần tình về nỗi khổ vì áp lực học hành.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của một giáo viên chấm thi Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên trường Nguyễn Hiền, quận 12, TP.HCM, người phát hiện ra bài thi lạ này
Thú thật là hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ chứng kiến một bài thi lạ lùng đến thế. Không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn những nét chữ nghiêng nghiêng mềm mại (tôi đoán chắc là nét chữ của học sinh nữ vì bài đã rọc phách) lại có cả vết loang của nước mắt. Đấy không phải là một bài thi chuyển cấp môn văn mà là một bức tâm thư gửi cho cha có cả nước mắt và những lời ai oán.
Đề thi môn văn gồm ba câu với điểm số cho từng câu là 1, 2 và 7. Câu một em trả lời thật tốt, đến câu hai em mở ngoặc viết: (em xin lỗi quý thầy, cô). Câu ba với phần chính là bài luận em đã không phân tích bài văn mà xin phép viết bức tâm thư gửi cha. Bức thư thật xúc động, kể rất thật về mình, về những suy nghĩ của em và những ước ao lẫn lời dặn dò của cha. Chính những khát vọng trở thành áp lực của cha mà giữa em với cha vô tình đã có khoảng cách vô hình.
Trong thư em xin lỗi cha vì không thực hiện được lời khuyên" Con phải học, phải cố học để sau này ra đời không thua kém ai và để kiếm được việc làm, vì không có cái chữ, không tốt nghiệp thì sẽ không có gì cả".
Giọt nước mắt loang trên trang giấy bài thi loang ra một khoảng rộng trong bức tâm thư ấy. Tôi đọc những dòng chữ em nói rất thật mà xót xa :"....Cha vẫn khuyên con phải gắng học, cha và con đã tranh luận đến bất đồng quan điểm khi con khóc lóc và năn nỉ cha rằng "Cha ơi, con không thể học được nữa, con không thể, không thể nhét chữ vào đầu mình được nữa vì con đã mất căn bản và mất rất nhiều. Con nài nỉ cha cho con nghỉ học để đi kiếm cái nghề, để kiếm kế sinh nhai và để gánh bớt cho cha những nhọc nhằn tuổi già nhưng cha một mực phản bác. Cha ơi! Cha có biết con muốn học, muốn nhét chữ vào đầu để nên người, để có việc làm và để bằng người ta như cha vẫn nói nhiều lắm nhưng không thể...Con đã giấu cha rằng đã mấy năm nay con đến lớp với cái đầu rỗng tuếch khi trong con đang là cuộc sống, là chia sẻ với gánh nặng của cha. Con có thể làm bất cứ việc gì người ta thuê, mướn hay cần con chứ con không thể học tiếp được nữa...Cha có biết mỗi ngày khi con lên lớp con nhục nhã với chúng bạn như thế nào không? Còn chẳng học được gì cả và con cứ luôn là đề tài để bạn bè chế giễu...Con chẳng giám chơi với ai và con cứ khóc cho chính mình, khóc cho những ao ước đơn sơ của cha là lo cho con được ăn học đến nơi đến chốn....".
Cuối bức tâm thư ấy là dòng xin lỗi cha chứ không oán trách bởi không hoàn thành nghĩa vụ cao cả mà cha cố ép con phải học hành nên người...
Tôi đưa "bức tâm thư" ấy cho các đồng nghiệp mà cứ thẫn thờ mãi về những gì mà em đã viết và mong được chia sẻ lẫn tha thứ.
Ao ước của người cha ấy rất thật và nỗi lòng của nghười co cũng rất thật nhưng vì sao họ không gặp nhau?
Có không trách nhiệm của những người thầy, người cô khi hàng ngày đều song hành với em nhưng không thể giúp em thực hiện được ước mơ đơn giản của người cha?
Em còn quá nhỏ (học sinh lớp 9) và đáng lẽ phải được chia sẻ thật nhiều, phải được hiểu thật nhiều cả trên ghế nhà trường lẫn ở nhà.
Giọt nước mắt loang trên trang giấy đã nói lên nhiều vấn đề, trong đó nói cả với tôi về những mái đầu xanh luôn cần được chia sẻ và thông cảm.
(Theo Pháp luật TP.HCM)